Rừng phòng hộ là gì? Chức năng và quy định về rừng phòng hộ

Rừng là tài nguyên quan trọng đối với mỗi quốc gia, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái và khí hậu địa phương, rừng còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nền kinh tế đất nước. Hiện nay, rừng được phân loại thành nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có rừng phòng hộ. Vậy rừng phòng hộ là gì, quy định về rừng phòng hộ ra sao. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Rừng phòng hộ là gì?

Rừng phòng hộ là rừng có tác dụng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

rung-phong-ho-la-gi-1
Thế nào là rừng phòng hộ?

Chức năng/Vai trò của rừng phòng hộ

Sau khi biết được rừng phòng hộ là gì, chúng ta cần tìm hiểu vấn đề rừng phòng hộ có chức năng gì?

Rừng phòng hộ có vai trò vô cùng quan trọng, tác động rất lớn đến quá trình tồn tại và phát triển của con người và các loài sinh vật, cụ thể: 

  • Rừng phòng hộ đầu nguồn giúp điều tiết nguồn nước nhằm hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy, sông hồ…trong mùa khô, chống xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ…

  • Rừng phòng hộ được ví như tấm khiên xanh khổng lồ có tác dụng ngăn các tác hại do gió, chắn cát, bảo vệ cộng đồng dân cư, đồng ruộng, đường giao thông…

  • Rừng phòng hộ ngăn sóng có vai trò bảo vệ công trình ven biển, cố định bùn lắng đọng để hình thành đất mới. Loại rừng này thường sinh trưởng tự nhiên hoặc được gây trồng ở các cửa sông, cửa biển. 

  • Được trồng xung quanh các điểm dân cư, khu công nghiệp, đô thị, rừng phòng hộ có chức năng giúp bầu không khí tại các khu vực này trong lành hơn, điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

rung-phong-ho-la-gi-2
Rừng phòng hộ có vai trò gì?

Phân loại rừng phòng hộ hiện nay

Theo khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, các loại rừng phòng hộ được phân loại theo mức độ xung yếu bao gồm 2 nhóm sau : 

NHÓM 1 

  • Rừng phòng hộ đầu nguồn.

  • Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

  • Rừng phòng hộ biên giới.

NHÓM 2 

  • Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay.

  • Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

Tiêu chí phân loại rừng phòng hộ

Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định về tiêu chí của từng loại rừng phòng hộ như sau : 

Rừng phòng hộ đầu nguồn

Khoản 1 Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định , rừng phòng hộ đầu nguồn lai rừng thuộc lưu vực sông, hồ, đáp ứng những tiêu chí sau: 

  • Về địa hình: có địa hình đồi, núi và độ dốc từ 15 độ trở lên.

  • Về lượng mưa: có lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 mm trở lên hoặc từ 1000mm trở lên nhưng tập trung trong 2 - 3 tháng

  • Về thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: loại đất cát pha trung bình hay mỏng, có độ dày tầng đất dưới 70cm; nếu là đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30cm.

Rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư

rung-phong-ho-la-gi-3
Rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư là rừng trực tiếp cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư tại chỗ; gắn với phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ và sử dụng.

Rừng phòng hộ biên giới

Đây là khu rừng phòng hộ nằm trong khu vực vành đai biên giới, gắn với các điểm trọng yếu về quốc phòng, an ninh, được thành lập theo đề nghị của cơ quan quản lý biên giới

Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay

Khoản 2 Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay cần đáp ứng những tiêu chí sau : 

  • Đai rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay giáp bờ biển :  đối với vùng bờ biển bị xói lở, chiều rộng của đai rừng phòng hộ tối thiểu là 300m tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hàng năm vào trong đất liền; đối với vùng bờ biển không bị xói lở, chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 200m tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hàng năm vào trong đất liền.

  • Đai rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay phía sau đai rừng quy định tại điểm a khoản này : chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 40m trong trường hợp vùng cát có diện tích từ 100ha trở lên hoặc vùng cát di động hoặc vùng cát có độ dốc từ 25 độ trở lên. Chiều rộng của đai rừng tối thiểu là 30m trong trường hợp vùng cát có diện tích dưới 100ha hoặc vùng cát ổn định hoặc vùng cát có độ dốc dưới 25 độ.

Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển cần đáp ứng những tiêu chí sau: 

  • Đối với vùng bờ biển hội tụ hoặc ổn định, chiều rộng của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển là 150m.

  • Đối với vùng cửa sông, chiều rộng của đai rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển tối thiểu là 20m tính từ chân đê và có ít nhất 3 hàng cây trở lên.

  • Đối với vùng đầm phá ven biển, chiều rộng tối thiểu của đai rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển ở nơi có đê là 100m, nơi không có đê là 250m.

Các quy định về rừng phòng hộ đầy đủ, mới nhất

rung-phong-ho-la-gi-4
Các quy định về rừng phòng hộ 

Nguyên tắc phát triển, sử dụng rừng phòng hộ

Theo Luật bảo vệ rừng phòng hộ, nguyên tắc phát triển và sử dụng dựa trên những nguyên tắc sau: 

  • Rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, nhiều tầng.

  • Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường phải được xây dựng thành các đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng.

  • Việc kết hợp sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường, khai thác lâm sản và các lợi ích khác của rừng phòng hộ phải tuân theo quy chế quản lý rừng.

Điều 136 Luật đất đai quy định về đất rừng phòng hộ như sau: 

“Điều 136. Đất rừng phòng hộ

1. Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.

5. Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng; có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.”

Phân cấp rừng phòng hộ

Về phân cấp rừng phòng hộ, thẩm quyền thành lập khu rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 25 Luật lâm nghiệp năm 2017, thẩm quyền thành lập khu rừng phòng hộ được quy định như sau : 

“Điều 25. Thẩm quyền thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ có tầm quan trọng quốc gia hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.”

Về tổ chức quản lý rừng phòng hộ, Khoản 2 Điều 26 Luật lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ được quy định như sau:

a) Thành lập ban quản lý rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới có diện tích tập trung từ 5.000 ha trở lên hoặc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 3.000 ha trở lên;

b) Các khu rừng phòng hộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì giao cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang trên địa bàn để quản lý.”

Tổ chức quản lý rừng phòng hộ

Điều 46 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định việc tổ chức, quản lý rừng phòng hộ như sau: 

  • Những khu rừng phòng hộ đầu nguồn tập trung có diện tích từ năm nghìn hecta trở lên hoặc có diện tích dưới năm nghìn hecta nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ hoặc rừng phòng hộ ven biển quan trọng phải có Ban quản lý. Ban quản lý khu rừng phòng hộ là tổ chức sự nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập theo quy chế quản lý rừng.

  • Những khu rừng phòng hộ không thuộc quy định trên thì Nhà nước giao, cho thuê cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân tại chỗ quản lý, bảo vệ và sử dụng.

Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng rừng sản xuất và đất đai xen kẽ trong khu rừng phòng hộ, Điều 48 Luật này quy định:

“Điều 48. Quản lý, sử dụng rừng sản xuất và đất đai xen kẽ trong khu rừng phòng hộ

1. Đối với những diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ thì chủ rừng được quản lý, sử dụng theo quy định về rừng sản xuất tại mục 3 Chương IV của Luật này.

2. Đối với đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân xen kẽ trong rừng phòng hộ không thuộc quy hoạch khu rừng phòng hộ thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng đúng mục đích được giao theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

Điều 47 Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định

“Điều 47. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

1. Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên được phép khai thác cây đã chết, cây sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

2. Việc khai thác lâm sản ngoài gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên được quy định như sau:

a) Được phép khai thác các loại măng, tre nứa trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ theo quy chế quản lý rừng;

b) Được phép khai thác các loại lâm sản khác ngoài gỗ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng, trừ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

3. Việc khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng được quy định như sau:

a) Được phép khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng;

b) Được phép khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, theo đám rừng;

c) Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

4. Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải thực hiện theo quy chế quản lý rừng, thực hiện đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm duy trì khả năng phòng hộ bền vững của rừng.”

Giải đáp một số vấn đề có liên quan

Diện tích rừng phòng hộ ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2022, cả nước có khoảng 4.64 triệu héc ta rừng phòng hộ, bao gồm 3.84 triệu héc ta rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn và các loại hình khác như rừng chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng ven biển, rừng bảo vệ môi trường.

Tên các rừng phòng hộ ở Việt Nam

Một số rừng phòng hộ ở Việt Nam đó là: 

  • Rừng Sơn Động (Bắc Giang); 

  • Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; 

  • Khu rừng phòng hộ xung yếu và sản xuất Lâm ngư trường 184 (Cà Mau); 

  • Rừng phòng hộ ven biển Nhà Mát (Bạc Liêu).

  • Rừng ngập mặn phòng hộ huyện Cần Giờ.

  • …..

Rừng phòng hộ có được khai thác không?

rung-phong-ho-la-gi-5
Rừng phòng hộ có được khai thác không?

Theo Điều 55 Luật lâm nghiệp năm 2017 và Điều 20 Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính Phủ thì được phép khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo các quy định, điều kiện và phương thức cụ thể như như sau:

Thứ nhất: Khai thác lâm sản đối với rừng phòng hộ là gỗ rừng tự nhiên:

– Theo quy định pháp luật các chủ thể là những cá nhân, tổ chức được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.

– Điều kiện và phương thức khai thác rừng phòng hộ tự nhiên được quy định cụ thể như sau:

+ Điều kiện khai thác rừng phòng hộ tự nhiên: Cần phải có phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đối với khai thác cây đứng ở nơi có mật độ lớn hơn mật độ quy định chỉ thực hiện trong thời gian mở cửa rừng.

+ Phương thức khai thác rừng phòng hộ tự nhiên: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với khai thác cây đứng thực hiện theo phương thức khai thác chọn với cường độ không quá 20% trữ lượng; rừng sau khi khai thác độ tàn che phải lớn hơn 0,6.

Thứ hai: Khai thác lâm sản đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ được quy định như sau:

Các cá nhân, tổ chức được được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ.

– Các cá nhân, tổ chức được được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

– Điều kiện và phương thức khai thác rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ:

+ Đối tượng khai thác rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ: Các chủ thể được phép khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ; Được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

+ Điều kiện khai thác rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ: Cần phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, sản lượng loài khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của loài đó; sau khi khai thác không làm ảnh hưởng chức năng phòng hộ của rừng.

+ Phương thức khai thác rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ: Do các chủ thể là những chủ rừng phòng hộ tự quyết định.

Thứ ba: Khai thác lâm sản đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, được quy định cụ thể như sau:

– Các cá nhân, tổ chức được được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định cụ thể.

– Các cá nhân, tổ chức được được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng.

– Sau khi khai thác, chủ rừng sẽ có trách nhiệm cần phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

– Điều kiện và phương thức khai thác rừng trồng:

+ Đối tượng khai thác rừng trồng: Được thực hiện khai thác đối với cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định. Các cá nhân, tổ chức được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng. Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

+ Điều kiện khai thác rừng trồng: Chủ rừng phải lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đúng quy định của pháp luật.

+ Phương thức khai thác rừng trồng: Khai thác tỉa thưa cây trồng chính phải bảo đảm mật độ còn lại ít nhất 600 cây/ha và phân bố đều trong lô. Khai thác chọn cây trồng chính cường độ không quá 20% trữ lượng. Khai thác trắng theo băng thì chiều rộng băng không quá 30m; khai thác trắng theo đám thì diện tích đám không quá 3 ha, tổng diện tích khai thác hằng năm không vượt quá 20% tổng diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn phòng hộ.

Thứ tư: Khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng:

– Đối tượng khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng: Đối tượng khai thác là cây gỗ trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phục vụ công tác đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

– Điều kiện khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng: Để được khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác; dự án lâm sinh; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.

Thủ tục khai thác gỗ, lâm sản trong rừng phòng hộ sẽ được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và căn cứ cụ thể vào từng đối tượng rừng phòng hộ khác nhau mà thủ tục khai thác gỗ, lâm sản trong rừng phòng hộ cũng sẽ khác nhau.

Cần lưu ý rằng việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải được thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng.

Như vậy, pháp luật nước ta cũng đã đưa ra quy định cụ thể về các đối tượng, loại rừng phòng hộ và các điều kiện cụ thể đối với việc khai thác từng loại rừng phòng hộ. Theo quy định pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức khi khai thác rừng phòng hộ cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định cụ thể được nêu cụ thể ở bên trên.

>>> TIN LIÊN QUAN:

Tình trạng phá rừng phòng hộ hiện nay

Hiện tại, việc phá hoại rừng phòng hộ ở thượng nguồn sông trái phép diễn ra một cách ngang nhiên và đáng báo động. Nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích lâu dài của toàn xã hội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài việc ngăn chặn, xử phạt những đối tượng có hành vi vi phạm, Nhà nước hiện đang thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ, như: 

  • Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố, tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

  •  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Đẩy mạnh việc hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế.

Trên đây là những thông tin liên quan đến rừng phòng hộ là gì, vai trò và các vấn đề liên quan đến rừng phòng hộ. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với bạn.

Để đón đọc thêm những tin tức về bất động sản khác, hãy truy cập homedy.com ngay hôm nay!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Dọn về nhà mới mang gì vào trước để rước may tránh hạn?

Về nhà mới mang gì vào trước là câu hỏi được rất nhiều người băn khoăn khi mới mua nhà, mua căn hộ mới. Một số vật phẩm được cho là sẽ đem đến may mắn, nhiều điều tốt đẹp cho gia đình bạn. Cùng Homedy khám phá chi tiết ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Xem ngày cất nóc nhà theo tuổi đại cát năm 2020

Cất nóc là giai đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng nhà cửa. Chính vì vậy, không chỉ việc xem ngày làm nhà theo tuổi mà xem ngày cất nóc nhà theo tuổi cũng vô cùng quan trọng. Hãy cùng Homedy tìm hiểu cách chọn ngày đẹp, tốt cho gia chủ để mọi việc được thuận buồm xuôi gió.

Bố trí cây trong phòng khách: Từ cơ bản đến chi tiết!

Bạn sẽ cực kỳ hứng thú với việc chọn lựa và cách bố trí cây cảnh trong phòng khách theo quy tắc ngũ hành tương sinh, quy tắc ánh sáng,...

Đường đâm thẳng vào cổng nhà có sao không và cách hóa giải

Đường đâm vào nhà có sao không? Theo phong thủy xưa, “Nhất tiễn xuyên tâm sát” (Mũi tên cắm phập tim), chẳng mấy cát tường, chính vì thế, nếu bạn muốn mua một mẫu biệt thự đẹp ở vị trí đó hay muốn xây một ngôi nhà ở đó thì nên suy nghĩ lại, nếu không thể thay đổi sự việc thì chúng ta có thể sử dụng những cách hóa giải phong thủy nhà có đường đâm vào để tránh tai ương và sát khí ám vào gia đình.

Nhà của Hồ Quang Hiếu: Biệt thự 23 tỷ quá đẹp khiến giới nghệ sĩ "năn nỉ" mượn quay MV

Căn nhà của Hồ Quang Hiếu có diện tích gần 400m2 ngập tràn cây xanh và ánh sáng siêu đẹp, được không ít nghệ sĩ "năn nỉ" cho mượn làm nơi chụp hình, quay MV...

    Mở App