Cẩn trọng khi quy hoạch sông Hàn

Sông Hàn - biểu tượng của Đà Nẵng đã và đang bị “băm nát” bởi nhiều dự án, trong đó có nhiều dự án lấn sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên, các yếu tố về môi trường, địa chất.

Những ngày qua, việc Công ty TNHH Bất động sản và Bến du thuyền Ðà Nẵng là chủ đầu tư dự án Bất động sản và Bến du thuyền (Dự án Marina Complex) xây kè, đắp đất lấn rộng mặt sông, đã và đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn, các chuyên gia và người dân. 

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng triển khai dự án nêu trên để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý của dự án; đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành Trung ương liên quan.

Hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ khi nhiều người ví von phần diện tích lấn sông của Dự án Marina Complex hiện tại giống như chiếc “cùi chỏ” cơi ra sông đầy phản cảm. Và theo phối cảnh của Dự án Marina Complex, ngay tại khu vực được lấn sông này, sẽ mọc lên hai tòa tháp cao chặt đứt cửa sông Hàn.

Theo Sở Xây dựng TP Ðà Nẵng, dự án này UBND thành phố đã phê duyệt Sơ đồ ranh giới tại Quyết định số 6652/QÐ-UBND ngày 28-8-2009, diện tích dự án 175.012 m2, trong đó diện tích sử dụng đất phần đất liền: 105.520 m2, diện tích sử dụng đất phần mặt nước: 69.492 m2, giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án. Sau đó dự án này được Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất động sản và Bến du thuyền Ðà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện. Từ năm 2015 đến 2017, dự án đã được phê duyệt điều chỉnh ba lần với tổng diện tích giảm còn 117.311 m2, được UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 6039/QÐ-UBND ngày 27-10-2017.

Ðiều đáng nói, trong khi dư luận đang sục sôi vì dự án lấn sông, lấp sông này thì tại thông báo Kết luận số 354/TB-TTCP, thanh tra về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Ðà Nẵng, do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký ngày 18-3-2019, Dự án Marina Complex có một số sai phạm: giao/cho thuê không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm Ðiều 58 Luật Ðất đai năm 2003, Ðiều 61 Nghị định 181/2004/NÐ-CP ngày 29-10-2004 và Luật Ðất đai năm 2013; chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm, do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1.047 m2 đất ở của dự án.

Tại Nghị quyết số 136/2015/NQ-HÐND ngày 10-12-2015, Hội đồng nhân dân TP Ðà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2015, yêu cầu UBND thành phố Ðà Nẵng hoàn thành và công bố quy hoạch chi tiết cảnh quan hai bờ sông Hàn, cảnh quan ven biển phía đông; nghiên cứu phương án tổ chức giao thông qua sông Hàn đoạn giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước; có giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý các điểm đen, điểm giao cắt phức tạp về giao thông…”. Ngày 1-8-2016, Ðà Nẵng tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn và đến hiện tại, Ðà Nẵng vẫn chưa công bố được Quy hoạch chi tiết cảnh quan hai bờ sông Hàn. Trong khi đó, một số dự án lấn sông Hàn đã được thi công và đưa vào sử dụng lại bịt đường xuống sông của dân, che khuất tầm nhìn ra sông.

 

Tình trạng đáng báo động về vấn đề cấp phép xây dựng, quy hoạch thiếu tầm nhìn tổng thể, đã và đang để lại hệ lụy lớn cho chính quyền Ðà Nẵng và buộc phải sửa sai, khắc phục hậu quả. Ðà Nẵng cần khẩn trương xem xét lại tất cả các yếu tố liên quan, cẩn trọng trong quy hoạch tổng thể khu vực lõi của Ðà Nẵng. Dư luận đang chờ đợi TP Ðà Nẵng công bố rộng rãi các Quyết định đánh giá tác động môi trường của các dự án lấn sông Hàn cho người dân biết. Việc lấn sông, lấp sông, sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của sông do đó cần nghiên cứu bài bản, khoa học các yếu tố về quan trắc, về tác động môi trường..., lấy ý kiến chuyên gia trong nước và nước ngoài. Ðặc biệt, cần có ý kiến các chuyên gia từ Liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory, Công ty tư vấn Surbana Jurong (Xin-ga-po) - đơn vị tư vấn lập Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Ðây là các đơn vị độc lập nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để TP Ðà Nẵng ký kết tư vấn, lập đồ án quy hoạch.

Nhìn sông Hàn hiện tại, nhiều người quan ngại rằng, nếu một ngày, sông Hàn chỉ còn là dấu tích, là dấu chấm nhỏ nhoi, liệu Ðà Nẵng sẽ còn gì? Có thể thấy, đây là một dự án “lịch sử” của Ðà Nẵng và hậu quả việc chuyển đổi, bán trao tay, “lướt sóng” các dự án bất động sản không chỉ xảy ra ở sông Hàn Ðà Nẵng, các dự án trên địa bàn Ðà Nẵng mà vấn đề chung của nhiều dự án trên cả nước. Vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động hậu cấp phép dự án cần được siết chặt vì đây đang là kẽ hở dễ bị lợi dụng, lách luật để “chia lô, bán nền”, “lợi ích nhóm”. Ðặc biệt, trước khi chấp nhận cấp phép đầu tư cho các dự án này, các cơ quan chức năng cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tận dụng các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học để lựa chọn giải pháp tối ưu.

>>> XEM THÊM

Dự án Sông Cầu Riverside Phú Yên

Một khúc sông Tô Lịch được hồi sinh

Bao giờ Hà Nội mới hết nhà 'siêu mỏng, siêu méo'?

T.HẰNG (Theo Báo Nhân Dân)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hà Nội: Dân ngoại thành ồ ạt xây nhà 'chạy' lên quận

Trước thông tin 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận, người dân ở 4 huyện này đã ồ ạt xây nhà để tránh vướng mắc các thủ tục pháp lý xây dựng sau này.

Lan Phương Real: Chủ đầu tư các dự án hoàn thiện pháp lý và tính thanh khoản tốt trên thị trường

Pháp lý dự án và tính thanh khoản khu vực luôn là những yếu tố hàng đầu được nhà đầu tư chú ý khi đưa ra quyết định lựa chọn đầu tư tại bất kỳ một dự án Bất động sản nào. Vậy tại sao nhà đầu tư nhiều năm qua vẫn tiếp tục ủng hộ các sản phẩm BĐS của Lan Phương Real là nơi để đầu tư .

Thua lỗ, Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty bất động sản

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Quốc Cường Gia Lai sẽ rút toàn bộ vốn tại CTCP Bất động sản Hiệp Phát do công ty này kinh doanh không hiệu quả.

Giá đất Mũi Né “tăng nhiệt” nhờ tin sắp có nhiều dự án giải trí tỷ USD

Trong quý 2/2019, hàng loạt dự án có khả năng làm thay đổi toàn bộ diện mạo du lịch Phan Thiết sẽ được triển khai...

Top 5 doanh nghiệp bất động sản sở hữu quỹ đất ở lớn nhất, họ là ai?

5 doanh nghiệp dẫn đầu đang nắm hơn 19.000 ha đất ở gồm Vinhomes, Novaland, TTC Land, Nam Long và Đất Xanh, trong đó có 3 đơn vị có quỹ đất lớn đủ để phát triển khu đô thị Vinhomes, Novaland và Nam Long.

    Mở App