5 lưu ý hàng đầu để mua nhà an toàn

Mua nhà là một trong những giao dịch hết sức quan trọng nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức và tỉnh táo để mua nhà một cách an toàn. Thực tế có không ít người “lơ ngơ” đã trở thành miếng mồi béo bở cho những phi vụ lừa đảo trắng trợn của môi giới nhà đất và gia chủ.

Tình trạng mua nhà “giấy” (nhà chưa xây dựng), một căn nhà bán cho 6 người cùng lúc, lừa tiền cọc, lừa diện tích,… và còn vô số những pha “mắc bẫy” của những người mua nhà thiếu kiến thức, cả tin, ít kinh nghiệm không phải là chuyện hiếm gặp. Do đó, tìm hiểu kỹ hiện trạng, nguồn gốc, tính pháp lý của ngôi nhà, đối tượng bán nhà và hợp đồng mua nhà là những điều mà người mua nhà cần đặc biệt lưu ý để mua nhà an toàn, giảm thiểu rủi ro.

1. Tìm hiểu rõ về tính pháp lý của ngôi nhà muốn mua

Để hạn chế rủi ro khi mua nhà, trước hết bạn cần kiểm tra tình trạng pháp lý của căn nhà, cụ thể là căn nhà có đủ điều kiện để bán hay không. Căn cứ Điều 91 và Điều 92 Luật Nhà ở năm 2005, nhà ở tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật;
  • Không có tranh chấp về quyền sở hữu;
  • Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Bên bán nhà ở phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự và có năng lực hành vi dân sự.

Khi mua nhà bạn nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ bản sao (có công chứng mới nhất) của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ngôi nhà nêu trên cùng hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán (của cả vợ chồng nếu người bán đã có vợ, chồng), đồng thời, đến UBND cấp xã nơi có đất yêu cầu cung cấp các thông tin về nhà ở như nêu trên để kiểm tra điều kiện nhà ở bán trước khi mua nhà.

kiem tra tinh phap ly
Để hạn chế rủi ro khi mua nhà việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra tình trạng pháp lý của căn nhà

Hiện nay Sở tư pháp các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã thiết lập chương trình "Quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn UCHI" (gọi tắt là UCHI). Chương trình này cho phép các phòng công chứng nhập thông tin và dữ liệu của hợp đồng, giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sử dụng sau khi được ký kết. Do đó, người mua có thể tìm hiểu thông tin về giao dịch công chứng đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi, đã bị hủy, đã bị mất… thông qua giao dịch này.

2. Kiểm tra kỹ hiện trạng, nguồn gốc của ngôi nhà

Theo quy định của pháp luật, nhà ở thuộc đối tượng của hợp đồng mua bán nhà ở phải đang tồn tại, đang xây dựng. Trong trường hợp phát sinh các giao dịch về mua bán đối với loại nhà ở hình thành trong tương lai, tức là nhà đang trong giai đoạn thi công, hoàn thành như chung cư, nhà theo dự án thì phải đảm bảo tính pháp lý của loại hình giao dịch này. Thực tế việc mua bán nhà hình thành trong tương lai thường gặp rủi ro. Do đó phải thật cân nhắc về loại hình giao dịch này.

Người mua phải có thông tin chính xác về dự án nhà đang xây cũng như chủ đầu tư dự án phải có thông báo về việc bán các căn hộ trên bản vẽ thiết kế với các chi tiết về diện tích, vật liệu xây dựng, các thiết bị có liên quan đến ngôi nhà cho người mua biết.

Để có cái nhìn thực tế hơn, tránh rủi ro thì người mua phải trực tiếp đến địa điểm của căn nhà để xem hiện trạng của nó, phải xác định nguồn gốc nhà ở thuộc sở hữu của ai, quá trình chuyển dịch quyền sở hữu như thế nào, nhà đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chưa? Việc xác định rõ nguồn gốc nhà ở, tình trạng pháp lý của nhà ở là điều kiện giúp giao kết hợp đồng đúng quy định của pháp luật và tránh được những tranh chấp phát sinh sau này.

kiem tra nguon goc nha
Người mua cần xác định kỹ nguồn gốc, hiện trạng của ngôi nhà để tránh rơi vào cảnh "tiền mất tật mang"

Ngoài ra, cũng cần lưu ý nhà ở là ngôi nhà được bán có bị đem thế chấp hoặc kê biên để đảm bảo việc thực hiện một hoặc các nghĩa vụ dân sự hay trách nhiệm hình sự khác không. Trường hợp nhà ở có nguồn gốc thừa kế cần tìm hiểu có đúng nhà ở thuộc sở hữu của người đã chết không, những ai có công duy trì, làm tăng giá trị nhà ở, những người thừa kế hợp pháp đối với nhà ở, ý chí của các đồng thừa kế đối với việc chuyển nhượng. Trường hợp nhà ở có nguồn gốc được tặng cho hoặc được hưởng thừa kế di chúc, cần kiểm tra người được tặng cho, người được hưởng thừa kế theo di chúc có bị ràng buộc bởi điều kiện gì không, đặc biệt phải kiểm tra xem đó là tặng cho, di chúc cho sở hữu hay chỉ cho quản lý, sử dụng để thờ cúng. Nếu không cho sở hữu thì không nên mua.

Nhiều trường hợp do điều kiện kinh tế có hạn, khách hàng phải mua nhà mà chủ đã từng bán cho nhiều người, mỗi người chỉ mua một phần diện tích nhà. Trong trường hợp này phải xem xét diện tích mua có phần nào chồng lên diện tích của các hộ khác không, có bị hạn chế điều kiện gì không, có bị phụ thuộc vào hợp đồng của người mua trước không…

3. Cần kiểm tra các giấy tờ hợp lệ hay không hợp lệ về nhà ở khi tham gia giao dịch như:

- Đối với nhà thuộc sở hữu tư nhân, đã có giấy chứng nhận của chính quyền thuộc chế độ cũ không?

- Đối với nhà ở do một bên hoặc các bên tự xây dựng cần tìm hiểu khi tiến hành xây dựng có giấy phép xây dựng không. Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với đất hay nhà này không? Bên cạnh đó, các giấy tờ tài liệu khác cũng rất có giá trị chứng minh ai là người đã xây dựng nhà: Hóa đơn mua nguyên vật liệu, biên nhận thanh toán tiền công xây dựng, hợp đồng thuê khoán xây dựng,...

- Đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hay của cơ quan, tổ chức cần tìm hiểu ai là người được quyền sử dụng nhà hợp pháp (quyết định phân phối nhà, quyết định giao nhà, đơn xin cấp nhà…), đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chưa; việc chuyển dịch quyền sở hữu nhà có giấy tờ chứng minh gì không?

4. Kiểm tra kỹ thông tin liên quan đến chủ đầu tư, chủ nhà

Người mua cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng các thông tin liên quan đến chủ đầu tư, chủ nhà. Cụ thể như:

- Đối với chủ đầu tư dự án:

Kiểm tra các thông tin cần thiết về dự án như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết… Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

kiem tra thong tin chu dau tu
Người mua cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng các thông tin liên quan đến chủ đầu tư, chủ nhà

Trường hợp là nhà chung cư hay tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Xem xét ký việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án…

Đặc biệt, người mua cần tìm hiểu kỹ năng lực của chủ đầu tư (thương hiệu, lịch sử, tiềm lực tài chính, …) qua việc triển khai các dự án đã thành công, năng lực của chủ đầu tư (thông qua các dự án đang thi công).

- Đối với chủ nhà:

Tìm hiểu kỹ nhân thân của chủ nhà xem có đang nợ nần hay gặp kiện tụng, tranh chấp không? Yêu cầu chủ nhà đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự.

5. Xem xét kỹ hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục mua bán nhà đất, căn hộ chung cư. Trước khi giao kết hợp đồng, người mua phải xem xét kỹ các điều khoản, nhất là các điều về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bán, các điều khoản về thanh toán, quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; những chế tài phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng…

xem xet hop dong mua ban
Hợp đồng mua bán được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục mua bán nhà đất, căn hộ chung cư do đó người mua phải thận trọng xem xét kỹ tất cả các điều khoản và cân nhắc trước khi ký kết.

Trong các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng theo tiến độ dự án nhưng nghĩa vụ của chủ đầu tư về bàn giao căn hộ lại rất chung chung. Do đó, người mua cần thỏa thuận cụ thể về thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, chế tài nếu vi phạm. Nếu chủ đầu tư không hoàn thành, người dân cần yêu cầu thanh lý hợp đồng.

- Hợp đồng mua bán phải đúng tên mình với chủ đầu tư/người bán.

- Nếu là hợp đồng góp vốn, người dân cần kiểm tra tiến độ thi công dự án, nếu đóng tiền theo từng giai đoạn thì khối lượng xây dựng phải tương ứng

- Thực hiện đúng các quy định về chuyển nhượng đất, hạn chế tối đa những thỏa thuận chuyển nhượng mua bán mà các bên tự ký tay với nhau nếu không cần thiết hoặc không an toàn pháp lý.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giới thiệu tới bạn quy trình sang tên sổ đỏ chi tiết nhất

Căn nhà là tài sản giá trị cao nên trong quá trình mua bán, giao dịch đòi hỏi tính pháp lý rõ ràng được chứng minh qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ. Sau khi đã thỏa thuận, mua bán thành công cần tiến hành sang tên sổ đỏ để đảm bảo quyền sở hữu cho người mua nhà.

Mua bán nhà qua hợp đồng ủy quyền “lợi người bán, tội người mua”

Hợp đồng ủy quyền thông thường được sử dụng trong công việc, bên được ủy quyền thực hiện công việc, trách nhiệm, nhân danh bên ủy quyền nhưng hiện nay hợp đồng này được sử dụng vào việc mua bán nhà đất nhằm mục đích trốn thuế. Đối với người mua nhà hình thức này thực sự có lợi hay hại, có đảm bảo pháp lý trước pháp luật hay không?

Có nên mua nhà qua sàn giao dịch bất động sản?

Đôi khi khách hàng mua căn hộ thường ngại làm việc qua sàn bất động sản vì lo sợ những rủi ro hay phải chịu những kinh phí phát sinh nào đó. Tuy nhiên mua nhà qua sàn giao dịch bất động sản hiện nay được coi là lựa chọn an toàn với nhiều ưu điểm về mặt pháp lý, thông tin minh bạch và tính chuyên nghiệp.

Đúc kết kinh nghiệm cho người mua nhà lần đầu

Bạn đã phải tiết kiệm khá lâu để có được khoản tiền cho việc mua nhà, nhưng lần đầu mua nhà còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm. Bạn đang cảm thấy lo lắng về việc chọn nhà, thủ tục, giấy tờ có liên quan đến bất động sản, làm thế nào để mua nhà an toàn… Hãy chia sẻ cùng chúng tôi!

Với 2 tỷ mua nhà Hà Nội có thực sự cần thiết?

Mua nhà Hà Nội là niềm ao ước của hầu hết lao động có kế hoạch định cư tại thủ đô. Tuy nhiên, để sở hữu căn nhà tại Hà Nội là chuyện không dễ dàng, đòi hỏi người mua phải nỗ lực, phấn đấu làm việc, kiếm tiền. Mua nhà Hà Nội có thực sự là cần thiết trong bối cảnh hiện nay?

    Mở App