Sổ đỏ đứng tên 1 người có được không? Thủ tục làm sổ đỏ đứng tên 1 người

Bất động sản là tài sản rất có giá trị và nếu được hình thành trong kỳ hôn nhân thì quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là sổ đỏ đứng tên 1 người có được không? Vợ đứng tên trên sổ đỏ chồng có quyền gì không? Hay sổ đỏ đứng tên 1 người có vay ngân hàng được không?,... Trong bài viết dưới đây, Homedy sẽ cùng các bạn giải đáp các vấn đề trên nhé!

Sổ đỏ đứng tên 1 người được không?

Câu trả lời là “Có”. Theo quy định pháp luật hiện hành, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) có thể đứng tên một người hoặc nhiều người. Tất cả những người có tên trên sổ đỏ sẽ có quyền như nhau đối với nhà đất.

so-do-co-dung-ten-1-nguoi-duoc-khong
Sổ đỏ có đứng tên 1 người được không?

Vậy 1 người đứng tên được mấy sổ đỏ? Pháp luật về đất đai không cấm hay hạn chế việc một người đứng tên trên nhiều sổ đỏ. Nói cách khác, một người có thể đứng tên nhiều sổ đỏ khác nhau, điều này không vi phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu nên đất đai tại mỗi địa phương do UBND các cấp nơi có đất đại diện quản lý. Vì vậy, việc có được đứng tên nhiều bất động sản là đất đai hay không sẽ phải nằm trong giới hạn nhất định của mỗi địa phương. Bạn vẫn có thể mua đất ở địa phương khác nếu số lượng sổ đỏ ở địa phương đó vẫn ở trong mức cho phép được sở hữu thêm.

Quyền lợi của người đứng tên trên sổ đỏ

Theo quy định pháp luật, người đứng tên 1 mình trên sổ đỏ được hưởng những quyền lợi sau đây:

  • Quyền sử dụng: Là quyền sở hữu tài sản dựa trên ý chí cá nhân, không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác như lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.

  • Quyền định đoạt: Người đứng tên sổ đỏ có quyền chuyển nhượng, định đoạt, tiêu hủy, hoặc tiêu dùng tài sản.

  • Quyền sở hữu nhà và những tài sản khác liên quan tới đất: Người đứng tên trên sổ đỏ hoặc được cấp Giấy chứng nhận về quyền sở hữu hợp pháp sẽ được thừa hưởng quyền này.

  • Người đứng tên sổ đỏ sẽ đảm bảo quyền lợi từ kết quả đầu tư đất đai được sở hữu trên sổ đỏ.

  • Quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng lại hoặc cho thuê, thế chấp và góp vốn quyền sử dụng, quyền hạn chế sử dụng những khu đất liền kề.

  • Nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi của người đứng tên sổ đỏ khi bị xâm phạm trực tiếp đến lợi ích về đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

  • Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất, người đứng tên sổ đỏ sẽ được đền bù theo quy định.

  • Người đứng tên 1 mình trên sổ đỏ được toàn quyền sử dụng tài sản vào mục đích không bị nghiêm cấm bởi pháp luật. 

  • Quyền bất khả xâm phạm nhà ở. Nếu xây dựng nhà ở, người đứng tên sổ đỏ sẽ được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà.

  • Quyền sửa chữa, bảo trì, phá dỡ hoặc xây dựng. Quyền sử dụng những tiện ích công cộng xây dựng trên khu đất.

  • Quyền khiếu nại và khiếu kiện khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.

>> Xem thêm: Người đứng tên sổ đỏ có quyền gì? Chồng đứng tên sổ đỏ, vợ có quyền gì không?

nguoi-dung-ten-1-minh-tren-so-do-duoc-huong-nhung-quyen-loi-gi
Người đứng tên 1 mình trên sổ đỏ được hưởng những quyền lợi gì?

Sổ đỏ chỉ đứng tên của vợ hoặc chồng được không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013:

“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.

Như vậy, về nguyên tắc, nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì sổ đỏ sẽ đứng tên hai vợ chồng. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép sổ đỏ đứng tên mình vợ hoặc chồng nếu vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc đồng ý để một bên đứng tên trên sổ đỏ. Và việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản có công chứng.

Vậy sổ đỏ chỉ đứng tên của vợ hoặc chồng được không? Câu trả lời là “Có”. Sau khi kết hôn, vợ hoặc chồng vẫn có thể đứng tên 1 mình trên sổ đỏ. Những trường hợp phổ biến mà chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên trên sổ đỏ như sau:

  • Vợ hoặc chồng mua BĐS nhà đất bằng tài sản riêng của mình thì cũng đứng tên trên sổ đỏ một mình. Đối với trường hợp này thì người vợ hoặc chồng phải chứng minh được quyền sử dụng đất đó được mua bằng tài sản riêng.

  • Vợ hoặc chồng được nhận thừa kế riêng là nhà đất. Lúc này, người thừa kế là vợ hoặc chồng sẽ đứng tên nhà đất một mình. Ví dụ: người vợ sau khi kết hôn được cha mẹ đẻ để lại thừa kế cho riêng một mảnh đất, thì mảnh đất này sẽ là tài sản riêng của người vợ và người vợ được đứng tên một mình trên sổ đỏ mảnh đất.

  • Vợ hoặc chồng được tặng cho riêng tài sản là nhà đất, thì sổ đỏ đứng tên 1 người là vợ hoặc chồng.

  • Trước khi kết hôn, hai bên có thỏa thuận về tài sản riêng của vợ, chồng sau khi kết hôn (văn bản thỏa thuận này được công chứng hoặc chứng thực), thì tài sản phát sinh sau khi đăng ký kết hôn thuộc sở hữu của từng người theo nội dung đã thỏa thuận. Lúc này, sổ đỏ cũng sẽ đứng tên 1 người.

  • Trường hợp vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung là nhà đất (văn bản thỏa thuận phải được công chứng). Khi đó, nhà đất được chia là tài sản riêng theo thỏa thuận. Lúc này, sổ đỏ cũng đứng tên 1 người.

vo-hoac-chong-dung-ten-1-minh-tren-so-do-co-duoc-khong
Vợ hoặc chồng đứng tên 1 mình trên sổ đỏ có được không?

Ví dụ: Vợ chồng mua đất đứng tên 1 người được không? Theo quy định pháp luật, vợ và chồng mua đất trong thời kỳ hôn nhân thì đây sẽ là tài sản chung của vợ chồng và được ghi tên cả hai người. Tuy nhiên vợ chồng mua đất vẫn có thể đứng tên 1 người trong trường hợp mua bằng tiền riêng của một trong hai, hoặc có thỏa thuận giữa hai người đây là tài sản riêng, hoặc có thỏa thuận chỉ đứng tên một người. 

Vợ đứng tên trên sổ đỏ chồng có quyền gì không?

Trường hợp vợ hoặc chồng đứng tên 1 mình trên sổ đỏ, người còn lại có quyền gì không sẽ phụ thuộc vào việc sổ đỏ đó là tài sản riêng của mỗi bên hay tài sản chung của vợ chồng được hình thành trong kỳ hôn nhân.

Trường hợp 1: Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của một bên

Pháp luật hiện hành quy định vợ/chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Vì thế, trường hợp sổ đỏ chỉ đứng tên của người vợ, đồng thời quyền sử dụng đất tương ứng được xác định là tài sản riêng của người vợ thì người vợ có toàn quyền định đoạt như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,... đối với quyền sử dụng đất này (nhưng không được trái với quy định của pháp luật luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác) mà không cần có có chữ ký đồng ý của người chồng. 

Hay nói cách khác, nếu quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản riêng của vợ thì người chồng không có quyền gì đối với thửa đất, tài sản gắn liền với đất đó.

vo-dung-ten-tren-so-do-chong-co-quyen-gi-khong
Vợ đứng tên trên sổ đỏ chồng có quyền gì không?

Trường hợp 2: Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. (Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Do đó, nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì dù người vợ là người đứng tên sổ đỏ thì vợ hay chồng đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất đó. Khi thực hiện giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, cầm cố, tặng cho,...) thì phải có chữ ký của cả hai vợ chồng, trừ trường hợp có văn bản ủy quyền của người vợ cho người chồng được thực hiện thay quyền chuyển nhượng.

Nếu bất động sản là tài sản chung và vợ đứng tên trên sổ đỏ, nhưng người vợ tự ý chuyển nhượng cho người khác mà không có sự đồng ý của người chồng thì người chồng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu (khi bị tuyên bố bị vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận).

 Đối với trường hợp chồng đứng tên 1 mình trên sổ đỏ, vợ có quyền gì không cũng tương tự như trên. 

Như vậy, ai là người đứng tên trên sổ đỏ không quan trọng, vấn đề cốt lõi là xác định đó có phải tài sản chung của vợ chồng hay không. Nếu là tài sản chung của vợ chồng thì cả hai có quyền như nhau, khi giao dịch BĐS như chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho,... đều cần sự đồng ý của cả hai. Nhưng nếu là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì bên còn lại không cần phải ký tên.

Vậy làm sổ đỏ đứng tên 1 người như thế nào? Hồ sơ cần chuẩn bị các giấy tờ gì? Các bước thực hiện ra sao? Nội dung tiếp theo Homedy sẽ chia sẻ chi tiết quy trình làm sổ đỏ đứng tên một người, mời độc giả cùng theo dõi!

Thủ tục đứng tên sổ đỏ 1 mình

Để được đứng tên sổ đỏ 1 mình, người sử dụng đất cần đáp ứng các điều kiện như sau:

  • Nếu là tài sản riêng: Cần có các giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản có liên quan đến đất.

  • Nếu là tài sản chung của vợ chồng: Phải có giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, và văn bản xác nhận một bên từ bỏ quyền sở hữu tài sản.

thu-tuc-lam-so-do-dung-ten-1-nguoi
Thủ tục làm sổ đỏ đứng tên 1 người

Thủ tục đứng tên sổ đỏ 1 mình nếu là tài sản riêng 

Nếu bất động sản là tài sản riêng của cá nhân được hình thành do mua bán, thừa kế, tặng cho thì cá nhân có thể làm hồ sơ yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tùy theo nguồn gốc của BĐS mà cá nhân cần chuẩn bị các loại giấy tờ khác nhau để nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ.

Hồ sơ xin đứng tên sổ đỏ 1 mình gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn xin đăng ký biến động (theo mẫu).

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

  • Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu

  • Hồ sơ kỹ thuật thửa đất do cơ quan Địa chính có tư cách pháp nhân đo vẽ.

  • Nếu bất động sản được tặng cho, thừa kế thì cá nhân cần cung cấp hợp đồng tặng cho, giấy tờ/di chúc thừa kế có công chứng. 

  • Nếu bất động sản hình thành do mua bán thì cá nhân cần cung cấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng, chứng từ chứng minh nhận chuyển nhượng nhà đất bằng tài sản riêng.

  • Văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật (nếu có).

  • Tờ khai nộp lệ phí trước bạ.

  • Tờ khai nộp thuế thu nhập cá nhân.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, cá nhân sẽ tiến hành thủ tục làm sổ đỏ đứng tên 1 người theo các bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận (bộ phận một cửa UBND quận/huyện nơi có đất hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai). Nếu hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ được cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ có ghi ngày hẹn trả kết quả.

Bước 2: Bạn nộp các khoản tiền thuế theo thông báo của cơ quan chức năng như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận, lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất (nếu có),…

Bước 3: Sau khi đã nộp xong thuế, lệ phí, cá nhân nộp bản gốc biên lai đã nộp thuế và lệ phí cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Mức lệ phí sẽ phụ thuộc vào quy định của từng địa phương.

Bước 4: Cá nhân mang chứng minh nhân dân lên cơ quan nộp hồ sơ ban đầu để nhận sổ đỏ đã sang tên cho 1 người đứng tên. Đến ngày hẹn ghi trên phiếu tiếp nhận, cá nhân mang căn cước công dân hoặc CMND đến cơ quan đã nộp hồ sơ để nhận sổ đỏ đã sang tên cho 1 người đứng tên.

Thủ tục đứng tên sổ đỏ 1 mình nếu là tài sản chung của vợ chồng

Trường hợp bất động sản là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà muốn làm sổ đỏ đứng tên của một bên, thì trình tự thủ tục thực hiện cũng theo các bước giống trường hợp là tài sản riêng ở trên. Tuy nhiên, trong hồ sơ xin đứng tên sổ đỏ 1 mình cần có thêm văn bản đồng thuận cho 1 người đứng tên có công chứng, chứng thực.

>> Bài viết cùng chủ đề:

Sổ đỏ đứng tên 1 người có vay ngân hàng được không?

Câu trả lời là “Có”. Sổ đỏ đứng tên 1 người hoàn toàn có thể thế chấp vay ngân hàng nếu đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013).

  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

  • Đang trong thời hạn sử dụng đất.

  • Đất không xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

so-do-dung-ten-1-nguoi-hoan-toan-co-the-the-chap-vay-ngan-hang
Sổ đỏ đứng tên 1 người hoàn toàn có thể thế chấp vay ngân hàng

Ngoài việc thỏa mãn những điều kiện trên thì muốn thế chấp sổ đỏ cũng cần đáp ứng các yêu cầu của phía ngân hàng. Mỗi ngân hàng sẽ có các yêu cầu cho vay tiền thế chấp sổ đỏ riêng, song nhìn chung, có những điều kiện cơ bản mà hầu hết các ngân hàng đều áp dụng cho người vay như sau:

  • Người thế chấp sổ đỏ vay tiền phải là công dân Việt Nam và nằm trong độ tuổi lao động (từ 20 - 65 tuổi).

  • Có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

  • Tại thời điểm vay, người vay cần có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu tại bất kỳ ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào.

  • Có tài sản thế chấp cho ngân hàng là bất động sản thuộc quyền sở hữu của người vay và đã được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Sổ đỏ sẽ là căn cứ giúp định giá tài sản đó.

  • Người vay cần cung cấp phương án sử dụng vốn vay phù hợp và khả thi (ví dụ: mua nhà, mua sắm đồ đạc, đầu tư kinh doanh). Tuyệt đối không được sử dụng số tiền vay cho các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Để chi tiết hơn, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng để biết thêm chi tiết về các điều kiện vay thế chấp sổ đỏ, từ đó đưa ra lựa chọn vay vốn phù hợp.

Sổ đỏ không chỉ là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu mà còn giúp định giá tài sản và là căn cứ cho việc thế chấp, vay vốn hay chuyển nhượng tài sản. Hy vọng rằng thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc sổ đỏ đứng tên 1 người được không, cũng như thủ tục đứng tên sổ đỏ 1 mình như thế nào. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo trên Homedy.com để cập nhật những thông tin bổ ích nhé!

Trần Dung

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hướng dẫn thực hiện nghi thức làm phép khởi công xây nhà

Khởi công xây dựng nhà là một trong những việc trọng đại của đời người. Cho dù bạn xây nhà to hay nhà nhỏ thì các nghi thức tâm linh là không thể thiếu được, đặc biệt là khi động thổ làm nhà.Vậy nghi thức làm phép khởi công xây nhà là gì? Các bước tiến hành như thế nào? Có những lưu ý gì khi thực hiện nghi lễ làm phép khởi công xây nhà không? Cùng giải đáp trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về nghi thức quan trọng trước khi khởi công xây nhà này nhé!

Quận Gò Vấp ở đâu? Bản đồ Gò Vấp chi tiết, cập nhật mới nhất

Bản đồ Gò Vấp, một tài liệu hữu ích và không thể thiếu đối với những ai đang tìm hiểu về khu vực này, hoặc đơn giản chỉ muốn khám phá và tận hưởng những địa điểm độc đáo ẩn mình trong quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài viết dưới đây, Homedy sẽ tổng hợp các bản đồ quận Gò Vấp cũng như thông tin quy hoạch quận Gò Vấp. Mời các bạn cùng theo dõi!

Tổng hợp những mẹo hay để tìm kiếm phòng trọ khép kín ưng ý

Bạn đang tìm kiếm một phòng trọ khép kín cho riêng mình? Bạn muốn có một không gian sống thoải mái, tiện nghi và an toàn? Bạn lo lắng về giá cả, vị trí và chất lượng của các phòng trọ khép kín trên thị trường? Nếu bạn đang có những thắc mắc này, hãy đọc bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết về các phòng trọ khép kín và cách chọn lựa phòng trọ phù hợp với nhu cầu của bạn.

Tại sao lại hết room tín dụng và các giải pháp hiệu quả

Bạn có biết room tín dụng là gì? Đây là một thuật ngữ quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng, liên quan đến hạn mức cho vay của một ngân hàng. Khi ngân hàng hết room tín dụng, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của các cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Vậy nguyên nhân và hậu quả của việc hết room tín dụng là gì? Cách tính và nới room tín dụng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Nới room tín dụng là gì? Những điều cần biết khi nới room tín dụng ngân hàng

Nới room tín dụng là gì? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi muốn vay tiền từ ngân hàng. Nới room tín dụng có nghĩa là ngân hàng Nhà nước tăng giới hạn cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ngân hàng có thể cung cấp nhiều khoản vay hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, việc nới room tín dụng cũng có những ảnh hưởng đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về khái niệm room tín dụng, vai trò của room tín dụng và những tác động khi nới room tín dụng.

    Mở App